Khám phá những điều đặc biệt ở 6 di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận

03/12/2020

Các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam là minh chứng của một nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt qua bao thế hệ và nay lại tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong thời đại mới, mang một màu sắc mới trong không gian hiện đại của dân tộc. Các di tích chính là niềm tự hào của người Việt Nam với các nền văn hóa thế giới, cũng như là món ăn tinh thần lớn lao, mang nhiều trải nghiệm lịch sử văn hóa mới mẻ tới khách du lịch trong nước cũng như quốc tế.

1. Quần thể di tích Cố đô Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 1993.  

di_san_van_hoa_the_gioi_co-do-hue
Chùa Thiên Mụ nằm trong di tích Cố Đô Huế

Từ thế kỷ XVI, Huế là thủ phủ 9 đời chúa Nguyễn Đàng Trong, kinh đô của Tây Sơn và rôì là kinh đô 13 triều vua Nguyễn. Mỗi thước đất Cố đô đều thấm đẫm các giá trị văn hóa - lịch sử quý giá. Chính bởi thế mà có nhiều người du lịch Huế bao nhiêu lần cũng không chán, vì chẳng chuyến đi ngắn ngày nào đủ để khám phá hết vẻ đẹp Cố đô. Chắc chắn, nếu tới Huế thì địa danh quần thể di tích Cố đô, di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, là một điểm đến không thể bỏ qua.

Tham quan tại Thành ngoại - Kinh thành Huế qua các điểm như:

  • Trường Quốc Tử Giám
  • Điện Long An
  • Kỳ Đài
  • Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
  • Đình Phú Xuân
  • Hồ Tịnh Tâm
  • Tàng thư lâu
  • Viện Cơ Mật - Tam Tòa
  • Đàn Xã Tắc
  • Cửu vị thần công

Tham quan Hoàng thành Huế - Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam với các điểm như:

  • Ngọ Môn
  • Lầu Ngũ Phụng
  • Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi
  • Triệu Tổ Miếu
  • Hưng Tổ Miếu
  • Thế Tổ Miếu
  • Thái Tổ Miếu
  • Cung Diên Thọ
  • Cung Trường Sanh
  • Hiển Lâm Các
  • Cửu Đỉnh
  • Điện Phụng Tiên

Tham quan các điểm ở Tử Cấm thành nơi này còn gọi là Cung Thành, là vòng thành trong cùng của Kinh đô Huế, cũng là nơi ăn ở, sinh hoạt của hoàng gia, hay nói cách khác đây chính là “nhà riêng” của Hoàng đế. 

Các điểm tham quan tại Tử Cấm thành như:

  • Tả Vu và hữu Vu
  • Vạc đồng
  • Điện Kiến Trung
  • Điện Cần Chánh
  • Thái Bình lâu
  • Duyệt Thị Đường

Ngoài ra còn có các di tích ngoài kinh thành

  • Lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Dục Đức, Khải Định
  • Trấn Bình đài
  • Phu Văn Lâu
  • Tòa Thương Bạc
  • Văn Miếu
  • Võ Miếu
  • Đàn Nam Giao
  • Hổ Quyển
  • Điện Voi Ré
  • Điện Hòn Chén
  • Chùa Thiên Mụ
  • Trấn Hải Thành
  • Nghênh Lương Đình
  • Cung An Định

Những nét đặc biệt khiến Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam

Quần thể Cố đô Huế là một kiệt tác kiến trúc độc đáo, có giá trị cả về kĩ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc. Bên cạnh đó, nó là minh chứng cho sự tồn tại nhà nước phong kiến trung ương tập quyền triều Nguyễn - một giai đoạn có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử nhân loại. Với những giá trị mang tính toàn cầu - quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới.

2. Phố Cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở Hạ Lưu sông Thu Bồn, ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất ngày đêm nhộn nhịp thuyền buôn từ Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây trong suốt 200 năm từ thế kỷ XVII - XVIII. Năm 1999, UNESCO chính thức công nhận Phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam

di_san_van_hoa_the_gioi_thanh_pho_hoi_an
Khách du thuyền trên sông Hoài - Hội An

Theo một số nghiên cứu, đô thị Hội An có thể ra đời từ khoảng thế kỉ XVI dưới triều đại nhà Lê. Từ xa hơn nữa, vùng đất này từng tồn tại hai nền văn minh lớn là Sa Huỳnh và Chăm Pa. 

 

Vào thế kỉ XVII, chúa Nguyễn ra sức khai phá miền Nam, mở cửa thương cảng, Hội An ngày càng náo nhiệt, các khu phố của thương nhân ngoại quốc Nhật Bản, Trung Quốc mọc lên.  Thế kỉ XIX, phù sa bồi đắp làm cửa sông Cửa Đại và con sông Cổ Cò thu hẹp lại, khiến thuyền lớn khó cập cảng Hội An. Hội An dần mất đi vị thế cảng thị quốc tế. Thế kỉ XX, dưới ảnh hưởng cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, Đà Nẵng thay thế Hội An nắm vai trò cảng quốc tế quan trọng. 

Nhưng cũng chính những biến thiên lịch sử đã khiến thời gian như ngừng lại tại Phố cổ Hội An. Du khách đến Hội An, không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc đô thị xưa cổ kính nên thơ, mà còn được tắm mình trong không gian văn hóa đô thị cổ được bảo tồn gần như hoàn hảo. 

Cho đến nay, dù không còn là thương cảng quốc tế quan trọng, thì Phố cổ Hội An lại trở thành điểm đến ở Quảng Nam, một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế du lịch Quảng Nam.

Khám phá tham quan Khu phố cổ tại Hội An

Các nhà phố

Nhà phố phổ biến nhất ở Phố cổ Hội An là kiểu nhà sâu, chiều ngang hẹp, hình ống. Nhà phố Hội An thường bố trí thành 3 không gian: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng thể hiện rõ đặc trưng văn hóa đô thị thương cảng. 

Các di tích kiến trúc

Bên cạnh nhà phố, các di tích kiến trúc tiêu biểu phải kể đến ở Hội An là: bến thuyền, giếng nước, chùa, đền, miếu, cầu, mộ, nhà thờ tộc và thương điếm. 

Chùa, đền, miếu

  • Chùa Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức, Kim Bửu, Viên Giác,...
  • Miếu Quan Công (còn được gọi là Chùa Ông)...

Nhà thờ họ

  • Nhà thờ tộc Trần
  • Nhà thờ tộc Trương
  • Nhà thờ tộc Nguyễn
  • Nhà thờ Tiền hiền Minh Hương

Hội quán

  • Hội quán Phúc Kiến (hội quán lớn nhất)
  • Hội quán Trung Hoa
  • Hội quán Triều Châu
  • Hội quán Quỳnh Phủ
  • Hội quán Quảng Đông

Chùa Cầu

Chiếc cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An là Chùa Cầu - Di sản văn hóa Việt Nam, Chùa Cầu còn có tên gọi khác là Cầu Nhật Bản. Đây là một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Hội An. Đây cũng là điểm nhấn khi ghé qua phố cổ Hội An. Bạn hoàn toàn có thể lưu dấu được nhiều bức ảnh đẹp bên cạnh di sản Chùa Cầu dưới chân sông Hoài chảy hiền hòa của phố Hội An.

Văn hóa 

Tín ngưỡng ở nơi này bao gồm các tục lệ: thờ cúng gia tiên, thờ Ngũ tự gia đường, thờ bà cô, ông mãnh, đá bùa, thạch cảm đương... Tôn giáo phổ biến nhất ở Hội An là Phật giáo. 

Các lễ hội truyền thống ở Hội An có thể nhắc đến như:Lễ hội Thành hoàng làng, Lễ hội tưởng niệm Tổ nghề, Lễ hội của các tôn giáo, Lễ tế cá Ông (cá voi), Lễ hội đêm Rằm phố cổ (một điểm nhấn du lịch)...

Âm nhạc ở đây bao gồm diễn xướng, hát hò khoan, các điệu hò giựt chì, hò kéo neo, những điệu lý, vè, các hình thức hát tuồng, bả trạo, hô thai, hô bài chòi... và các trò chơi dân gian vui nhộn. Ngoài ra, khi ghé thăm Hội An bạn có thể thưởng thức những đặc sản nổi bật ở xứ này như là cao lầu, hoành thánh, bánh vạc, mì Quảng,...

Với những nét đặc trưng về văn hóa, kiến trúc lịch sử đặc biệt thì Phố cổ Hội An đã được được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phố cổ Hội An là hiện vật, là địa danh còn lại duy nhất thể hiện rõ sự giao thoa của nhiều nền văn hóa qua các thời kỳ tại một thương cảng quốc tế. Bên cạnh đó, Hội An cũng là một cảng thị châu Á truyền thống hiếm hoi còn được bảo tồn hoàn hảo từ kiến trúc đến đời sống văn hóa của con người.

3. Thánh địa Mỹ Sơn

di_san_van_hoa_the_gioi_thanh_dia_my_son
Múa dân gian tại khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn

Theo Wikipedia Việt Nam Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam - Nghệ thuật kiến trúc của các tòa tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Ấn Độ. Nơi đây cũng từng có một ngôi đền đá cổ đại được trùng tu lần cuối cùng năm 1234, nhứng đã bị phá hủy do bom Mỹ. 

Thánh địa Mỹ Sơn có lẽ đã bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ IV và tiếp tục được mở rộng trong nhiều thế kỷ. Sau khi vương quốc Chiêm Thành lụi tàn, Thánh địa Mỹ Sơn cũng chìm vào quên lãng hàng thế kỷ, đến tận năm 1885 mới được khai quật. Di chỉ là những tàn tích còn lại gồm lăng mộ của vua Chăm, hoàng thân, quốc thích, các thầy tu quyền lực lớn. 

Thánh địa Mỹ Sơn có niên đại quá xa xưa, phần lớn kiến trúc bị chiến tranh và thời gian phá hủy. Du khách đến đây chỉ từ những tàn tích còn sót lại để hình dung về một nền văn minh huy hoàng từng rực rỡ trong quá khứ. Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam năm 1999.

Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam bởi di tích này là một di tích đặc biệt quan trọng, là minh chứng của sự giao lưu văn hóa cổ đại và là bằng chứng duy nhất của một nền văn hóa đã biến mất. 

4. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long nằm trên đường Hoàng Diệu, TP. Hà Nội. Nó được chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam vào năm 2010. Di tích này là dấu vết còn lại của kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 1000 năm tuổi, và còn xa xưa hơn nữa từ thời kì Bắc thuộc.  Trước khi là kinh đô của nhà nước phong kiến độc lập, nền đất của Hoàng thành Thăng Long là nơi đặt An Nam đô hộ phủ của nhà Đường. 

di_san_van_hoa_the_gioi_hoang_thanh_thang_long
Hoàng thành Thăng Long - Nơi thăm quan, check-in của nhiều du khách

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam bởi nó là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, nơi tiếp nhận nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu như Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, kiến trúc quân sự phương Tây. Nơi này là minh chứng duy nhất về truyền thống lâu đời của người Việt ở đồng bằng sông Hồng liên tục suốt 13 thế kỷ và tiếp nối vị thế trung tâm quyền lực đến tận ngày nay.

  • Năm 1010, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long. Kinh thành cũng xây dựng theo mô hình ba lớp.  Thế kỷ XV, sau khi thắng giặc Minh, kinh đô của nhà Lê vẫn đặt ở Thăng Long, đổi tên là Đông Kinh. 
  • Dưới triều Tây Sơn và nhà Nguyễn, kinh đô đặt trong Phú Xuân (Huế ngày nay). Đồng thời, các tàn tích của Hoàng thành bị hủy diệt trong các cuộc chiến tranh liên miên suốt thế kỉ XVIII cũng bị các vua nhà Nguyễn di dời vào Phú Xuân để phục vụ xây dựng kinh thành mới. 
  • Năm 1805, Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng Thành cũ vì cho rằng Hoàng thành Thăng Long quá bề thế so với một cái Trấn Bắc thành. Gia Long cho xây dựng thành mới theo kiểu Vauban của Pháp quy mô nhỏ hơn nhiều. 
  • Năm 1831, Thăng Long đổi tên thành tỉnh Hà Nội. 
  • Năm 1888, nhà Nguyễn nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp. Chính quyền thuộc địa lựa chọn Hà Nội làm Thủ đô của Đông Dương. Thành Hà Nội bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn sót lại là cửa Bắc và cột cờ. 

Hiện nay, Hoàng thành Thăng Long, Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, vẫn là nơi diễn ra nhiều sự kiện sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô, là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. Nếu ghé qua Hoành Thành Thăng long bạn có thể tới thăm các các điểm tham quan tại Hoàng thành như:

  • Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
  • Cột cờ Hà Nội
  • Đoan môn
  • Điện Kính Thiên
  • Nhà D67
  • Hậu Lâu
  • Cửa Bắc

5. Quần thể danh thắng Tràng An

Quần thể danh thắng Tràng An tại tỉnh Ninh Bình là di sản duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận đồng thời hai danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới và Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Quyết định được UNESCO chính thức công bố vào năm 2014. Ngày nay, quần thể danh thắng Tràng An là một điểm đến ở Ninh Bình được đầu tư thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế trọng điểm của Ninh Bình và Việt Nam.

di_san_van_hoa_the_gioi_trang_an
Giữa lòng di tích Tràng An

Lịch sử quần thể danh thắng Tràng An được ví như những bước đi đầu tiên của nhân loại, có trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử được khai quật. Nó cho thấy dấu vết của những biến cố lớn về môi trường, như sự thay đổi mực nước biển và cách người tiền sử đối mặt với nó.

Thế kỷ X, ở thung lũng mở Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh đặt kinh đô Hoa Lư tại Tràng An, mở ra ba triều đại phong kiến độc lập đầu tiên của Việt Nam: Đinh, Tiền Lê, Lý. Tràng An cũng là nơi khởi phát các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc: dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm, phát tích quá trình định đô ở Thăng Long. 

Thế kỷ XIII, hành cung Vũ Lâm tại Tràng An được nhà Trần xây dựng như một căn cứ quân sự, góp phần làm nên chiến thắng Nguyên - Mông bất hủ. Hành cung Vũ Lâm cũng là nơi các vua Trần xuất gia, đánh dấu sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo tại Việt Nam. 

Các khu du lịch tại quần thể danh thắng Tràng An

  • Khu du lịch sinh thái Tràng An
  • Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động
  • Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư
  • Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính
  • Khu du lịch sinh thái Thung Nham - Vườn chim
  • Khu du lịch Thung Nắng
  • Khu du lịch Hang Múa
  • Khu du lịch hành cung Vũ Lâm

Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam bởi nó đã lưu dấu lại cách người tiền sử đối phó với sự biến động to lớn của môi trường sống tự nhiên, làm kinh nghiệm cho con người hiện đại đối mặt với các thách thức biến của thời kì đổi khí hậu. 

6. Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh, Tây Giai) là kinh đô của triều đại nhà Hồ thế kỉ XV. Hiện nay di tích này nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa. 

di_san_van_hoa_the_gioi_thanh-nha-ho
Di tích thành nhà Hồ tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Năm 2011, Thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam. Nó là tòa thành đá quy mô lớn duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và cũng là một tòa thành đá hiếm hoi còn lại trên thế giới. Kiến trúc kiên cố này được xây dựng trong thời gian ngắn kỉ lục chỉ khoảng 3 tháng và đã tồn tại được hơn 6 thế kỷ. 

Khoảng cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly nắm giữ hầu hết quyền lực triều chính, cho xây dựng Tây Đô với mục đích buộc nhà Trần phải dời đô để chuẩn bị cho kế hoạch phế bỏ vua Trần. 

Năm 1400, vương triều Hồ thành lập, Tây Đô thành kinh đô mới, Thăng Long đổi tên thành Đông Đô. Vì vậy, dân gian thường gọi công trình này là Thành nhà Hồ. 

Các điểm tham quan nổi bật tại di tích thành nhà Hồ tại Thanh Hóa:

  • Thành nhà Hồ (thành trong)
  • Tường thành và hào thành
  • La thành
  • Đàn Nam Giao
  • Đền thờ nàng Bình Khương
  • Đình Đông Môn
  • Nhà cổ
  • Đền Tam Tổng
  • Hồ Mỹ Đàm
  • Hang Nàng và núi An Tôn
  • Chùa Giáng
  • Đền thờ Trần Khát Chân
  • Chùa Du Anh
  • Động Hồ Công

Thành nhà Hồ xây hoàn toàn từ đá ghép khít không cần chất kết dính và đã đứng vũng suốt 600 năm. Ảnh: bach.2810
Tại sao Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam?

Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam bởi nó là một di chỉ quý giá về kiến trúc thành bằng đá. Để xây dựng Tây Đô, những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép khít hoàn toàn không cần chất kết dính và đã đứng vững suốt 600 năm.  Đồng thời, tòa thành gắn liền với sự tồn tại của vương triều Hồ - một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng đánh dấu nhiều tư tưởng cải cách xã hội toàn diện, tiến bộ và ý thức độc lập tự tôn dân tộc của người Việt. 

Với những điều đặc biệt về 6 di sản thế giới của Việt Nam, bạn đã sẵn sàng cho hành trình tham quan về cội nguồn, về những nét văn hóa cổ kính của dân tộc mình chưa? Nếu chuyến đi sắp tới của bạn là ghé thăm Huế, Mỹ Sơn, Hội An, Hà Nội, Ninh Bình, hay Thanh Hóa thì đừng quên ghé qua những di tích hào hùng mà đầy mỹ lệ này nhé! Chúc các bạn có thật nhiều kỷ niệm đẹp ở những nơi mình đến. 

______________

VietOcean Travel

CHIA SẺ